Ga Đồng Chuối nằm trên đỉnh Khe Nét (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là một trong bốn ga đèo quan trọng vào bậc nhất của hệ thống Ký sự đường sắt Bắc-Nam. Nhìn trên bản đồ của ngành, hệ thống ray Thống Nhất qua khúc này tựa như một sợi chỉ mảnh mai nằm vắt dọc qua suốt 17km đường đèo, xuyên thẳng qua cả núi rừng rậm rạp. Mặc dù có vị trí quan trọng là thế, nhưng từ nhiều năm nay, cuộc sống của 10 cán bộ, nhân viên trên lưng chừng đèo Mây vẫn cứ hiu hắt buồn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mưa vẫn lây rây không dứt nguyên cả tuần khiến cho con đường độc đạo đi vào nhà ga lầy lội bùn đất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ga được thành lập từ đầu những năm 2000 với nhiệm vụ ban đầu là để thay máy, tác nghiệp kỹ thuật và thông quan cho tàu. Trước đây, khi chưa có trạm Đồng Chuối, tàu Thống Nhất qua đây thường chạy rất chậm. Nhà ga ra đời đã giúp hành trình dọc đất nước của những đoàn hoả xa được rút ngắn lại nhiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi ngày, Đồng Chuối đón và tiễn khoảng vài chục chuyến tàu vào ra, nhưng rất hiếm khi có tàu dừng lại ở trạm này. Cách đây vài năm, đoàn xe lửa duy nhất nghỉ chân trên ga đèo là VĐ31/32 vốn chạy tuyến Vinh-Đồng Hới cũng dừng hoạt động. Từ thời điểm ấy, ga trên sống lưng Khe Nét chính thức trở thành “đơn côi” đúng nghĩa, chỉ còn thấp thoáng hiện lên qua cửa sổ của những toa tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi ngày, Đồng Chuối đón và tiễn khoảng vài chục chuyến tàu vào ra, nhưng rất hiếm khi có tàu dừng lại ở trạm này. Cách đây vài năm, đoàn xe lửa duy nhất nghỉ chân trên ga đèo là VĐ31/32 vốn chạy tuyến Vinh-Đồng Hới cũng dừng hoạt động. Từ thời điểm ấy, ga trên sống lưng Khe Nét chính thức trở thành “đơn côi” đúng nghĩa, chỉ còn thấp thoáng hiện lên qua cửa sổ của những toa tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trưởng ga Đinh Minh Tân, dù mới lên ga Đồng Chuối công tác được 2 năm nhưng dường như mọi cảnh vật nơi đây đều quen thuộc và gắn bó với ông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi ngày đêm, ông Tân cùng các cán bộ, công nhân viên tại ga phải túc trực đón hàng chục chuyến tàu khách và hàng qua lại nên áp lực công việc ghê gớm. Ông Tân tâm sự: "Ở ga này toàn cán bộ và công nhân trẻ, quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình vào đóng chốt. Tàu qua lại nhiều nên anh em lúc nào cũng căng mình đón tàu, chỉ sơ sảy một chút là mất an toàn chạy tàu ngay". (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điện thoại trực ban đổ chuông liên hồi báo đón tiễn tàu. Hai đường tránh gần như sử dụng hết công suất. Cứ một lúc lại có một đoàn tàu hàng được lệnh vào đường tránh để tàu khách Thống Nhất được ưu tiên thông qua. Anh Tân cùng hai nhân viên gác ghi đầu Bắc và Nam cũng liên tục phải đi từ phòng trực ra chòi gác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi màn đêm buông xuống, giữa rừng núi ngút ngàn, những con tàu đã mang tới cho những người như ông Tân niềm vui. Ánh đèn trên tàu lóe sáng, chuyến tàu đi qua an toàn là hơi ấm giúp ông Tân và 9 anh em khác trên ga Đồng Chuối vượt qua khó khăn cũng như sự cô đơn, hiu quạnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cách đó khoảng 200m là vị trí của gác ghi Nguyễn Xuân Cường. Cường là một nhân viên trẻ măng mới lên ga Đồng Chuối được vài năm. Mỗi ca làm của Cường kéo dài đến 12 tiếng và chỉ có một mình anh lặng lẽ, âm thầm làm việc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công việc gác ghi buồn và nhàm chán đến mức, trong lúc chờ tàu qua, một nhân viên nào đó đã viết lên tường như giải tỏa nỗi buồn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Ở đây quanh năm chỉ làm bạn với rừng, với rắn và vắt thôi,” Nguyễn Xuân Cường nửa đùa, nửa thật. Nói là làm, cậu nhân viên gác ghi trẻ măng chỉ xuống đôi chân một đồng nghiệp đã có con đỉa bám tự lúc nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ga lẻ, ga xép là những ga tác nghiệp tránh tàu là chính. Trong hệ thống các ga đường sắt, chỉ những ga ở các thành phố, thị trấn, tàu Thống Nhất Bắc Nam mới dừng lại để đón tiễn khách. Thế nên đời sống của 10 cán bộ công nhân viên nơi đây chỉ quanh quẩn ăn-ngủ- đón tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
6 giờ sáng khi trời vừa tảng sáng, mây vờn trên đỉnh núi, sà xuống sân ga lạnh toát. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những chuyến tàu đầu tiên trong ngày đi qua ga cũng là lúc đổi ban trực. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để đỡ buồn cũng như cải thiện đời sống, các anh em ở ga Đồng Chuối đã bàn nhau nuôi gà, thả cá. Đàn gà chỉ tính riêng vào thời điểm cuối năm 2017 đã lên tới gần 200 con. Những người không phải lên ban có nhiệm vụ vào rừng chặt chuối về băm nhỏ cho gà ăn. Nuôi tới khi bầy gia cầm trổ mã, lớn phổng phao, anh em lại hăm hở thịt rồi ngóng tàu dừng tránh, đợi đường để gửi nhờ... bán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh em tại ga Đồng Chuối kể, ngày xưa lúc ga mới xây, người dân từ các nơi cũng chuyển dần về dựng nhà, lập xóm để sống dựa vào đường tàu. Vào thời điểm đó, đôi tàu chợ VĐ Vinh-Quảng Bình vẫn còn dừng tránh nhau vài phút ở Đồng Chuối nên nhân viên ga cũng như người dân được nhờ vả, gửi tàu mua giúp ít lương thực, nhu yếu phẩm từ dưới đồng bằng đem lên. Nhưng từ ngày chuyến hoả xa địa phương này bị huỷ, cả ga và xóm núi lại trở nên hiu hắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những nhân viên tại đây nuôi một chú chó, các anh em đặt tên là Vịt. Vịt vừa trông ga vừa là người bạn tâm tình giải khuây cho các anh em qua ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngồi nhìn ra sân ga ướt nhẹp, bố Ninh - người có thâm niên “cắm núi, canh tàu” lâu nhất trên đèo Khe Nét khe khẽ thở dài. Dù sắp về hưu rồi mà lương hết bậc của ông sau khi trừ đầu trừ cuối chỉ còn lại hơn 5 triệu. “Lũ trẻ mới vào còn vất vả hơn nhiều,” người nhân viên có hơn 30 năm gác đèo trầm ngâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trần Hữu Hoàng, quê ở tận Nghệ An về ga làm việc đã được vài năm. Hoàng vừa mới lấy vợ được độ 15 ngày ở quê thì phải khăn gói tất tả chạy lên ga làm việc ngay, còn chưa kịp hưởng "tuần trăng mật".(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ khoảng 2,3 năm nay, mỗi ngày cả ga chỉ được hạn mức chi tiêu cho 2 bữa ăn trưa và tối trong 200.000 đồng. Số tiền này được anh em tự đóng góp và đã bao gồm hết thảy thức ăn, cơm, gạo lẫn gia vị. Tính chi ly, một bữa, cả ga 10 người ăn hết 100.000 đồng và mỗi khẩu phần ăn cũng chỉ vỏn vẹn có mười ngàn. Chính vì vậy, mì tôm 'không người lái' là người bạn đồng hành của các anh em nơi đây mỗi buổi sáng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ga lẻ là thế. Đón tàu nhiều, nhưng tàu chẳng bao giờ dừng lại. Những nhân viên gác chắn như Nguyễn Văn Hoàn giơ cờ hiệu lệnh an toàn cho chàu chạy qua rồi lại lặng lẽ vào phòng trực. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ga lẻ là thế. Đón tàu nhiều, nhưng tàu chẳng bao giờ dừng lại. Những nhân viên gác chắn như Nguyễn Văn Hoàn giơ cờ hiệu lệnh an toàn cho chàu chạy qua rồi lại lặng lẽ vào phòng trực. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu ở sân ga, từng đoàn tàu nối nhau dừng chân, người tiễn, người đi nhộn nhịp... thì ở các trạm gác chắn đường ngang, nhân viên duy chỉ nhìn thấy cảnh tàu vụt qua trong thoáng chốc. Đối với họ, hạnh phúc chỉ giản đơn là sự an toàn của những chuyến tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)