Ga Đồng Chuối những ngày cuối năm.
Mưa vẫn lây rây không dứt nguyên cả tuần, kéo theo sương núi cuồn cuộn áp xuống sát ray tàu. Ngồi trong căn phòng ăn bé xíu nhìn ra sân ga ướt nhẹp, bố Ninh - người có thâm niên “cắm núi, canh tàu” lâu nhất trên đèo Khe Nét khe khẽ thở dài. “Bố” bảo, dù sắp về hưu rồi mà lương hết bậc của ông sau khi trừ đầu trừ cuối chỉ còn lại hơn 5 triệu.
“Lũ trẻ mới vào còn vất vả hơn nhiều,” người nhân viên có hơn 30 năm gác đèo đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi theo cách chẳng thể buồn hơn như thế.
Ga Đồng Chuối nằm trên đỉnh Khe Nét (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) là một trong bốn ga đèo quan trọng vào bậc nhất của hệ thống đường sắt Bắc-Nam. Nhìn trên bản đồ của ngành, hệ thống ray Thống Nhất qua khúc này tựa như một sợi chỉ mảnh mai nằm vắt dọc qua suốt 17km đường đèo, xuyên thẳng qua cả núi rừng rậm rạp.
Ga được thành lập từ đầu những năm 2000 với nhiệm vụ ban đầu là để thay máy, tác nghiệp kỹ thuật và thông quan cho tàu. Trước đây, khi chưa có trạm Đồng Chuối, tàu Thống Nhất qua đây thường chạy rất chậm. Nhà ga ra đời đã giúp hành trình dọc đất nước của những đoàn hoả xa được rút ngắn lại nhiều.
Mặc dù có vị trí quan trọng là thế, nhưng từ nhiều năm nay, cuộc sống của 10 cán bộ, nhân viên trên lưng chừng đèo Mây vẫn cứ... hiu hắt buồn.
Trưởng ga Đinh Minh Tân cho hay: Mỗi ngày, Đồng Chuối đón và tiễn khoảng vài chục chuyến tàu vào ra, nhưng rất hiếm khi có tàu dừng lại ở trạm này. Cách đây vài năm, đoàn xe lửa duy nhất nghỉ chân trên ga đèo là VĐ31/32 vốn chạy tuyến Vinh-Đồng Hới cũng dừng hoạt động. Từ thời điểm ấy, ga trên sống lưng Khe Nét chính thức trở thành “đơn côi” đúng nghĩa, chỉ còn thấp thoáng hiện lên qua cửa sổ của những toa tàu.
Mỗi ngày, ga Đồng Chuối đón tiễn hàng chục chuyến tàu qua lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Ở đây quanh năm chỉ làm bạn với rừng, với rắn và vắt thôi,” cậu nhân viên trẻ măng Nguyễn Xuân Cường nửa đùa, nửa thật.
Nói đoạn, Cường chỉ ra cây cam cổ thụ được trồng ngay bên trạm gác ghi Nam Đồng Chuối kể: “Có anh đêm ra bẻ ghi chỉnh đường thì gặp ngay rắn treo lủng lẳng phía trên nên phải hất rắn đi rồi mới thao tác kỹ thuật được.”
Chuyện rắn bò vào phòng làm việc, rắn thăm viếng trạm ghi, rắn lỡ... dạo chơi khu ăn ngủ của anh em cũng dần trở nên rất bình thường với ga xép này. Thậm chí, những nhân viên làm ca đêm tại Đồng Chuối thi thoảng để giải khuây còn dùng đèn pin đi... soi khỉ từ núi xa chí choé về trêu người ngay rặng cây ven các chòi gác. Còn vắt thì gần như trở thành một thứ “đặc sản” khó nuốt nhất với những người nhà đèo.
Nguyễn Văn Hoàn, quê ở tận Nghệ An về ga làm việc đã được vài năm. Nói về loài “đỉa rừng” ấy, anh bật cười rồi giơ mu bàn chân lấm lem bùn đất lên... chăm chú tìm. Không lâu sau, chàng trai trẻ thản nhiên dứ dứ một con vắt đang uốn éo lên cho chúng tôi nhìn.
Phải làm bạn với những con vắt rừng không phải là chuyện hiếm với những người gác tàu ở đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Vắt ở đây nhiều vô kể, sống bám dọc các vũng ẩm dọc theo đường ray tàu. Anh em đi tuần đường, đi ra trạm gác ghi ‘chạm’ suốt nên thành quen. Nhất là vào mùa mưa thì chúng còn bò lổm ngổm lên cả tường, có lúc thành từng mảng đen xì,” Hoàn thủng thẳng nói.
“Bố” Ninh, nhân viên có thâm niên bám đèo lâu nhất nhì cũng là người thấm thía nhất sự đơn côi của Đồng Chuối. Khi mới thành lập, ga nằm lọt thỏm giữa rừng, trước mặt và sau lưng đều là núi đá. Mùa hè, từng đợt gió Lào cuồn cuộn thổi vào bỏng rát mặt người. Đến mùa đông thì mưa phùn không dứt, rét thấu thịt thấu da. Nhưng buồn nhất là khi ấy hoàn toàn không có tuyến đường nhựa nào chạy qua, trong khi điểm chợ gần nhất cách đó gần chục cây số. Toàn bộ giao thông, buôn bán đều phải dựa vào những đầu tàu tới và đi trong thoáng chốc, hoặc thực dụng hơn, được tính bằng... số bước chân người.
Ngày ga được dựng nên, người dân từ các nơi cũng chuyển dần về dựng nhà, lập xóm để sống dựa vào đường tàu. Vào thời điểm đó, đôi tàu chợ VĐ Vinh- Quảng Bình vẫn còn dừng tránh nhau vài phút ở Đồng Chuối nên nhân viên ga cũng như người dân được nhờ vả, gửi tàu mua giúp ít lương thực, nhu yếu phẩm từ dưới đồng bằng đem lên. Nhưng từ ngày chuyến hoả xa địa phương này bị hủy, cả ga và xóm núi lại trở nên hiu hắt.
Ga trưởng Tân cười ái ngại bảo: “Ở đây, muốn đi ăn bát phở cũng phải lái xe 10 cây số đèo. Mặc dù tuyến đường nhựa đã được hoàn thành nhưng vẫn còn vất vả nhiều lắm. Nhất là khi mưa bão chia cắt, anh em trên này chỉ còn biết ăn tạm rau rừng cho tới khi đường thông.”
Để hình dung đầy đủ nhất về nỗi vất vả của những cán bộ đang ngày đêm bám chốt trên ga Đồng Chuối, có lẽ không gì trực quan và thuyết phục hơn việc nhìn vào bữa ăn hàng ngày của họ. Bất chấp tốc độ leo thang phi mã của vật giá, bất chấp cả những biến thiên thời cuộc, bữa ăn của 10 “người đèo” Khe Nét vẫn... kiên trung dậm chân ở một mức khiêm nhường đến khó tưởng tượng.
Để cải thiện đời sống cho anh em, các cán bộ tại đây phải tăng gia sản xuất bằng việc nuôi gà, trồng rau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lúi húi chuẩn bị bữa trưa, người phụ nữ bản địa được thuê làm cấp dưỡng chia sẻ: Từ khoảng 2,3 năm nay, mỗi ngày cả ga chỉ được “hạn mức” chi tiêu cho 2 bữa ăn trưa và tối trong 200.000 đồng. Số tiền này được anh em tự đóng góp và đã bao gồm hết thảy thức ăn, cơm, gạo lẫn gia vị. Tính chi ly, một bữa, cả ga 10 người ăn hết 100.000 đồng và mỗi khẩu phần ăn cũng chỉ vỏn vẹn có mười ngàn.
“Thông thường bữa ăn chỉ có một món mặn, một món rau và cơm. Thỉnh thoảng đổi sang cá khô, nhưng đều theo nguyên tắc: Đã thịt thì thôi cá và ngược lại,” nữ cấp dưỡng chia sẻ.
Để đánh lừa cảm giác, những chủ nhân của ga xép đỉnh đèo thường mua thêm đậu phụ rán sẵn, thái miếng vuông vức rồi cho một nhúm thịt đựng lọt thỏm trong bát con vơi vào đảo chung. Khi múc ra đĩa, nếu không tinh ý sẽ khó phân biệt hai loại thực phẩm khác nhau như... trời với biển này.
Bữa sáng với món mì tôm 'không người lái' trở thành chuyện thường ngày với những anh em ở đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày chúng tôi vào Đồng Chuối, biết có khách, anh em trên ga... mạnh dạn dặn “chị nuôi” của đơn vị mua thêm thịt heo và đậu đũa để thiết đãi. Bữa ăn vì thế cũng đề huề hơn thường lệ. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh gần chục cán bộ, nhân viên trong đó đa phần ở cái tuổi sức dài vai rộng vẫn đang ngày ngày nuôi mình lẫn nuôi nghề bằng những suất ăn mười ngàn, miệng chúng tôi lại đắng ngắt.
Bố Ninh khe khẽ thở dài khi thấy vẻ ái ngại của chúng tôi. Bố bảo: Đời sống của anh em trên này còn khó và khổ nhiều. Bản thân ông đã có quá nửa đời người bám ray, bám núi mà đồng lương “kịch trần” sau khi trừ đầu, trừ cuối vẫn chỉ còm cõi ở mức hơn 5 triệu đồng. Thế hệ của Hoàn, Cường... vào sau còn chật vật hơn thế rất nhiều.
“Đằng sau mỗi người còn có cả vợ con, gia đình với đủ khoản phải chi tiêu nên vất vả lắm. Hầu hết mọi người đều phải làm thêm nghề tay trái mới đủ sống,” ông buông thõng một câu, mắt vẫn đăm đăm nhìn ra màn mưa mờ mịt trước sân.
Rồi ông bố lớn của cả đơn vị ngồi lẩm nhẩm: “Thằng Hiệp thì nuôi cá, trồng cây ở quê, tôi thì làm thêm xưởng mộc. Còn cả ga thì nuôi gà chạy bộ không khác gì người bản địa.”
Đàn gà của ga Đồng Chuối chỉ tính riêng vào thời điểm cuối năm 2017 đã lên tới gần 200 con. Chúng thậm chí còn có... nhà riêng trên một khoảnh đất rộng rãi được quây lưới mắt cáo. Những người không phải lên ban có nhiệm vụ vào rừng chặt chuối về băm nhỏ cho gà ăn. Nuôi tới khi bầy gia cầm trổ mã, lớn phổng phao, anh em lại hăm hở thịt, hăm hở đóng túi rồi ngóng tàu dừng tránh, đợi đường để gửi nhờ... bán.
“Được cái, anh em trên tàu tiêu thụ hộ với giá khá cao, tới 110.000 đồng/ký,” Hoàn cười tít mắt khoe.
Ngay khi chúng tôi có mặt tại Đồng Chuối, 20 chú gà cũng đã theo tàu SE2 xuôi về Vinh trong ánh mắt chờ đợi của cả chục người trên ga xép.
Khổ là thế, cô đơn là thế. Nhưng những chàng trai ở cái ga nhỏ mà không chuyến tàu nào dừng lại rất hay cười và lạc quan với cuộc sống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nuôi gà tăng gia thôi chưa đủ, sẵn đất của nhà ga còn rộng, các nhân viên trên đỉnh đèo còn đào ao thả cá và dành hẳn 1ha để trồng keo. Bởi vậy, bước chân vào sân ga trên lưng chừng đỉnh Khe Nét này, khách lạ có cảm giác bước vào một khu doanh trại quân đội, hay một trang viên nho nhỏ, khang trang mà ngay ngắn nào đó.
Khổ và khó là thế, nhưng tất cả những người cư trú trên mảnh ga xép cô đơn này lại rất hay cười. Họ í ới rủ khách đi bắt cua núi về đêm. Họ giành nhau kể chuyện mình gặp rắn rết trong lúc đi làm thế nào. Hoàn, chàng trai trẻ nhất nhì ga thậm chí còn hớn hở khoe việc mình vừa mới lấy vợ được 15 ngày; rằng về ở với nhau chưa đủ quen hơi, đôi trẻ lại mỗi người một ngả: Kẻ lên đỉnh đèo, người ngược về tận Thái Nguyên như Ngưu Lang, Chức Nữ. Những câu chuyện liên miên không dứt trong thoáng chốc như xua tan hết những nhọc nhằn vốn ngày ngày hiện hữu.
Tôi chợt nghĩ, câu chuyện của ga Đồng Chuối có lẽ cũng là câu chuyện chung của rất nhiều ga xép, ga lẻ khác trên suốt dọc 1.726km đường sắt Thống Nhất đi qua. Ở đó có nỗi buồn, có phiền muộn, có những bữa cơm còm cõi mười ngàn. Nhưng, những người trên những đèo gió, đèo mây, hay nói rộng hơn là trên những ga đơn côi giống như Đồng Chuối vẫn cố gắng bám trụ để canh ghi, gác cho mỗi chuyến tàu qua...