Cứ nhắc đến đầu máy, toa xe, tà vẹt, ông Tuấn “hoả xa” lại như.... lên đồng. Thế nên, mặc dù đã giữa trưa, nhưng khi nghe có khách phương xa đến tìm gặp để được ngắm nhìn bộ sưu tập cá nhân hiếm hoi về đường sắt, ông lại hồ hởi bỏ cả cơm, xấp ngửa ra đầu dốc đứng đợi.

Ông bảo, từ rất lâu rồi, niềm đam mê xe lửa đã ngấm vào máu của mình, đến nỗi, ngay cả khi đã nghỉ hưu, rời xa mùi dầu mỡ khét lẹt trên đầu máy thì ông vẫn không thể dứt được mối duyên nợ kỳ lạ với những con tàu.

Ông già hoả xa có tên đầy đủ là Đặng Anh Tuấn, năm nay đã 60 tuổi. Nhưng vẻ ngoài gầy gò, mái tóc hơi bạc, đặc biệt là bộ ria đầy chất “nghệ” lại khiến người đối diện có cảm giác ông trẻ hơn thế khá nhiều.

Điều đặc biệt nhất là một khi đã bắt vào mạch câu chuyện về xe lửa, vị cựu nhân viên sửa đầu máy của xưởng đầu máy toa xe Nha Trang này lại không thể dừng.

Ông Đặng Anh Tuấn, một người có nhiều duyên nợ với ngành đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông kể, ngày còn nhỏ, do nhà nằm ngay ga Nha Trang nên cậu bé Tuấn khi ấy thường biến khoảng sân quanh những con tàu làm chỗ chơi. Tiếng đầu máy hỏa xe xình xịch, tiếng bánh sắt nghiến vào ray ầm ầm... trở thành một nhịp điệu thân thuộc với cậu.

“Nhà gần ga là thế, những mãi tới năm 1965, tôi mới lần đầu tiên được đi xe lửa lên Đà Lạt chơi với mẹ và các anh chị. Nhìn qua cửa kính, cảnh vật vô cùng cuốn hút khiến tôi mơ ước được một ngày chính tay lái những con tàu này,” ông già hỏa xa bây giờ nhớ lại không khỏi bật cười.

Mơ ước ấy lớn dần lên và trở thành hiện thực vào 10 năm sau đó. Tháng 6/1975, chàng trai 18 tuổi Đặng Anh Tuấn chính thức bước chân vào ngành đường sắt. 4 tháng sau, ông là một trong 47 thành viên tham gia vào lớp học lái tàu đặc biệt kéo dài 2 năm của miền Nam sau giải phóng. Tới mùa xuân năm 1977, sau quãng thời gian dài chờ đợi, ông Tuấn chính thức được bước lên chuyến xe lửa chạy tuyến Nha Trang-Tuy Hoà với tư cách phụ lái.

“Khi ấy, cảm giác bồn chồn, sung sướng lắm vì cảm giác như mình được cưỡi gió, và chở theo bao nhiêu hành khách theo mình. Càng đi, tôi lại càng thấy cảnh quan Việt Nam mình vô cùng ngoạn mục,” ông già hoả xa trong khoảng khắc, như sống lại thời trai trẻ, hai mắt sáng lên, giọng sôi nổi hẳn.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình và công việc, nên chỉ một thời gian sau, ông lui về làm công tác sửa chữa đầu tàu.

“Mất mấy ngày đầu, tôi cũng thấy hụt hẫng, nhưng rồi lại nghĩ, công việc mới của mình cũng tốt vì sẽ phải đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người, hàng nghìn sinh mạng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ như hãm không ăn thì hậu quả là khôn lường,” ông Tuấn trầm ngâm.

Mặc dù lui về ở cương vị mới, nhưng tình yêu nghề, niềm đam mê với tàu lửa vẫn không hề nguội lạnh. Bên cạnh công tác chuyên môn, ông bắt đầu hành trình “nhặt nhạnh” đủ thứ người ta vứt đi từ những đầu máy, ray xe, tà vẹt đem về nhà tích luỹ. Chuyến hành trình gom góp ấy kéo dài đến nay đã gần 30 năm, đủ để hình thành nên một bộ sưu tập tư nhân, một bảo tàng mini về hoả xa có một không hai tại Việt Nam.

Tại ngôi nhà nhỏ nằm ven chợ Đầm, thành phố Nha Trang, từ nhiều năm nay, ông Tuấn đã trang trọng dành hẳn một căn phòng rộng thoáng để lưu trữ, trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với đường sắt.

Ông Tuấn dành hẳn một căn phòng rộng rãi thoáng mát để lưu giữ những kỷ vật của ngành đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông kể, từ ngay ngày đầu mới bước chân vào ngành, ông đã thích sưu tầm và giữ lại những vật nhỏ nhất liên quan đến tàu. Đó có thể chỉ là một chiếc đèn hiệu đặt trên đầu xe lửa từ những năm 1980; là mảnh ray cũ người ta vứt đi không dùng nữa. Thậm chí, trong một góc nhỏ, ông già “hỏa xa” còn giữ lại đủ bulông, ốc vít của những đầu máy hỏng khi xưa…

Nổi bật trong “phòng trưng bày” là một chiếc tủ kính cỡ lớn, bên trong xếp la liệt đủ đồ vật. Đáng chú ý hơn cả trong số này là 8 cây búa được đặt ngay ngắn, thân búa đen bóng màu thời gian.

Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Tuấn thủng thẳng giải thích: Toàn bộ 8 chiếc búa này là búa kiểm tra do chính tay ông tự làm trong những năm tháng làm công nhân sửa chữa đầu máy.

“Búa này được chúng tôi dùng để gõ vào các bộ phận máy móc, từ đó phát hiện xem ốc xiết lỏng hay chặt, lò xo có bị gãy hay không. Tuy nhiên, vào thời điểm những năm sau Giải Phóng, do điều kiện khó khăn nên ngành đường sắt hầu hết không phát búa kiểm tra. Anh em kỹ sư, công nhân đều phải tự làm hết,” ông Tuấn nhớ lại.

Cầm trên tay một chiếc búa khá thô ráp, ông rành rọt kể về “lai lịch” cũng như tuổi đời của nó: “Cây này là cây đầu tiên, tính đến nay đã hơn 30 năm tuổi. Đầu búa vốn là thanh ray tàu bị hỏng, tôi nhặt về, dũa gọt mất mấy ngày mới thành hình.”

“Còn cây bên này thì mới hơn, chỉ hơn 25 năm, cũng từ ray tàu ra cả…”

Những chiếc búa được ông Tuấn nâng niu và thường xuyên mang ra lau rửa. Đây là những người bạn đã gắn bó với ông Tuấn trông suốt cuộc đời làm nghề. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày về hưu, hành trang của người thợ già chỉ vỏn vẹn là gần chục cây búa, một cái ê tô [Dụng cụ kẹp, giữ các chi tiết máy móc cần hàn, cắt-PV] cũ kỹ. Nhưng với ông, chúng là thứ tài sản vô giá, gắn bó với công việc và cả quãng đời của ông.

Trong “bảo tàng” hoả xa của ông Tuấn còn có những hiện vật hết sức đặc biệt, hàm chứa ý nghĩa lịch sử đối với cả ngành đường sắt. Tiêu biểu nhất là một loạt phù điêu biểu tượng đúc bằng thép được xếp gọn trên kệ.

Chỉ tay vào bức phù điêu có hình chiếc khiên với các biểu tượng bánh xe lửa đan cài, ông Tuấn nói: “Đây là một trong những kỷ vật quý giá của ngành đường sắt mà tôi may mắn giữ lại được. Logo này là của hỏa xa Việt Nam được gắn trên đầu máy xe lửa hơi nước qua nhiều thập kỷ.”

Các phù điêu khác cũng có giá trị to lớn bao gồm: Logo đầu máy xe lửa diesel do Tập đoàn General Electric chế tạo tại Mỹ năm 1965 và đưa về Việt Nam sử dụng; hay logo đầu máy xe lửa hơi nước Alsacienne 231.300 (4-6- 4) chế tạo tại Pháp năm 1947 đã được sử dụng tại Việt Nam; logo đầu máy xe lửa hơi nước Fives Lille chế tạo năm 1949 tại Pháp và được sử dụng tại Việt Nam…

“Vào giai đoạn những năm 1980, các đầu máy loại này được công nhân rã ra, đem bán theo cân. Tôi phải nhờ anh em, bạn bè giữ lại nên mới còn,” ông Tuấn kể lại.

Không chỉ lưu giữ kỷ vật bằng vật chất, những kỷ vật tinh thần như hàng trăm con tem về ngành Đường sắt cũng được ông Tuấn cất công đi sưu tầm. Ông Tuấn khoe rằng, mình đã sưu tập được hơn 700 con tem quý hiếm liên quan đến ngành Đường sắt Việt Nam và thế giới. Bộ sưu tập tem như những cuốn sách lịch sử để kể về một chặng đường lịch sử đầy hào hùng của ngành đường sắt Việt Nam. Đáng kể nhất là bộ tem siêu quý hiếm về những đầu máy xe lửa đầu tiên của Việt Nam, những đầu máy kéo của chuyến tàu thống nhất đầu tiên nối liền hai miền Nam Bắc năm 1976.

Bên cạnh đó, một trong những nhân chứng hào hùng và sống động nhất về sự trường tồn và phát triển của ngành đường sắt Việt Nam chính là những tấm vé tàu.

Lịch kịch mở chiếc tủ được khóa kỹ, ông mang ra một chiếc hộp sắt còn khá mới, bên trong chứa cả chục vé tàu qua nhiều thời kỳ. Những tấm vé tàu bàng bạc, sờn rách qua thời gian được ông Tuấn nâng niu gói trong những tấm nilon mỏng. Những tấm vé với đủ hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau cho thấy ngành đường sắt phát triển như thế nào qua mỗi giai đoạn của đất nước. Có nhiều người không để ý, khi cầm những tấm vé tàu trên tay hay bỏ đi, nhưng để lưu giữ lại như ông Tuấn đó là cả một kỳ công và sự trân trọng.

Những tấm vé đi tàu Việt Nam qua các thời kỳ cũng được ông Tuấn sưu tầm và lưu giữ lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong suốt hành trình hơn 30 nhặt nhạnh và lưu giữ lại những thứ bị người ta vứt đi để biến chúng thành những kỷ vật đáng giá về hoả xa, ông Tuấn đã chứng kiến không ít chuyện đau lòng. Ấy là khi tận mắt ông thấy một máy đóng vé của ga Nha Trang được thanh lý ra ngoài nhưng đành bất lực vì không sao mua được. Ấy còn là lúc những đầu tàu cũ kỹ mang theo mình cả một lịch sử bị bỏ đi không thương tiếc. Ông bảo: Ông chỉ mơ cả ngành có một bảo tàng cỡ lớn, được làm tỉ mỉ, công phu để các hiện vật không bị mai một như thế nữa.

+

Nỗi ám ảnh của người thợ sửa đầu máy hoả xa

Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề sửa chữa đầu máy, điều khiến ông lão hỏa xa bị ám ảnh nhiều nhất chính là những cái chết thương tâm trên đường ray. Giọng run run, ông Tuấn kể: Vào thời điểm đêm 26 tết năm 2001, ông nhận được lệnh tới tuyến đường sắt chạy qua địa phận thị xã Ninh Hoà (Khánh Hoà) để sửa chữa đầu máy của tàu SE1.

“Tới nơi, tôi mới biết tàu SE1 vừa đâm vào hai cô bé ngay đoạn đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt. Lúc xuống khám máy, máu me vẫn bám tùm lum. Chuyện giữa đêm hôm phải đi và gặp cảnh này không hiếm, nó khiến cho tôi bị ám ảnh và thấy rất đau lòng,” ông Tuấn ngậm ngùi.