Bố tôi, năm nay đã gần 60 tuổi. Nhưng mỗi lần có dịp lên Hà Nội, ông lại lọ mọ, đùm rúm đủ thứ quà quê lỉnh kỉnh rồi đón tàu hỏa mà đi. Nó như thói quen xưa cũ, khó bỏ đã kéo dài ngót nghét mấy chục năm rồi.
Trong ký ức của ông, những chuyến tàu với đủ thứ âm thanh, mùi vị từ quê nhà lên Thủ đô luôn ẩn giấu nhiều chuyện đời, chuyện người thú vị. Và hơn hết, ông bảo: Ông lúc nào cũng muốn “chạm” Hà Nội từ cái sân ga Hàng Cỏ ngày nào...
Trong đại sảnh Ga Hà Nội trước năm 1927
1.Có lẽ không mấy nơi trên thế giới mà người dân lại “thích” tự mình đặt lại tên cho các các địa danh như ở Việt Nam. Từ vườn hoa Bà Đầm, chợ Âm Phủ… đến những phố Hàng Đũa, phố Chợ Đuổi, ngõ Ăn mày (tương ứng với các phố Ngô Sỹ Liên, Tuệ Tĩnh và ngõ Đoàn Kết –Thổ Quan ngày nay). Những cái tên, như một cách người bản xứ Đông Dương tìm lối thoát khỏi vỏ của thời kỳ thực dân, tự kiếm lấy cái hồn cốt dân tộc trong một hình hài vốn được đã định vị sẵn.
Xét trên khía cạnh này, cách gọi Hàng Cỏ cho bến tàu được xây từ thời Pháp đã vô tình ăn sâu, cắm rễ vững bền trong tâm trí người Việt. Đến độ, mãi tới sau này, khi cái tên Ga Hà Nội được định hình chính danh trên mặt hành chính thì những người ở thế hệ trước như bố mẹ, ông bà tôi vẫn quen gọi theo tên cũ kỹ ấy.
Lật lại lịch sử, cha đẻ của cái nhà ga huyền thoại này nói riêng và của cả hệ thống đường sắt Đông Dương nói chung lại không phải là một người bản địa. Tổng kiến trúc sư cũng là người có công đầu khai phá ga Hà Nội cũng như toàn bộ hệ thống đường sắt lại thuộc về Toàn quyền Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 Paul Doumer (1897-1902).
Sau này, khi nhìn nhận lại bức tranh đường sắt những ngày đầu, vị toàn quyền người Pháp đã viết trong Hồi ký Xứ Đông Dương (L’Indo-Chine francaise): “Khi tôi tới Đông Dương, vấn đề xây dựng một hệ thống đường sắt hoàn toàn chưa được giải quyết. Chưa hề có gì, hay gần như vậy.”
Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là phải thiết lập được tuyến đường sắt cho toàn xứ Đông Dương, kết nối các vùng miền với nhau. Theo Paul Doumer đó là một “nhiệm vụ nặng nề nhưng đáng quan tâm vì tính khả thi của nó.”
Trên cơ sở được phê duyệt của Hội đồng Tối cao Đông Dương, tháng 6/1898, vị trí xây dựng nhà ga được ấn định là khu vực cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) và đường Mandarine (đường Lê Duẩn hiện tại.)
Chỉ một năm sau, công trình đồ sộ được khởi công. Tới năm 1902, ga Trung tâm Hà Nội được ra đời. Vào thời điểm đó, ga Trung tâm là điểm kết nối của trục đường sắt từ Sài Gòn đi qua Trung Kỳ về rồi chạy tiếp tới biên giới Quảng Tây; cũng là nơi đi và về của trục ngang Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai để sang Vân Nam (Trung Quốc).
Mặc dù được định chính danh là ga Trung tâm, nhưng Hàng Cỏ mới cái tên được nhiều người quen thuộc. Những người lịch lãm văn hoá Thủ đô lý giải: Sở dĩ, dân gian đặt lại tên cho nhà ga do Pháp xây dựng bởi yếu tố lịch sử vốn có.
Hàng Cỏ là tên của một ngõ phố nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Đây nguyên là mảnh đất dùng để làm chợ cỏ. Cỏ từ các nơi tập kết về thành những đụn, những đống thơm ngan ngát. Cỏ tràn ngập phố. Cỏ chạy từ những triền đê sông Hồng vào cấp cho lính ngự vệ trong kinh thành về nuôi ngựa, nuôi voi.
Cái tên ga Hàng Cỏ cũng được hình thành từ lẽ đó. Cách gọi vừa dân dã, vừa như một cách cố thoát khỏi cái vỏ thực dân thời đó của người Tràng An.
Ga xưa được xây tường dài suốt phố. Thiết kế chính theo phong cách Gotic với những mái tháp hình trụ trổ ra những cửa sổ sát mái. Hai tầng tháp cân đối, hài hoà. Toàn bộ công trình bao gồm 3 tầng. Tầng dưới cùng là nơi bán vé, đón tàu đến và đi. Tầng hai là nơi làm việc của nhân viên hành chính. Tầng 3, trên cùng và áp mái được dùng để lưu giữ hồ sơ. Điểm nhấn của nhà ga lớn vào bậc nhất nhì xứ Đông Dương ngày đó là chiếc đồng hồ lớn, mặt tròn với hàng số La Mã to.
Hàng Cỏ giữ nguyên hình hài đậm phong cách châu Âu như thế đến tận cuối năm 1972. Sau cuộc tập kích của máy bay Mỹ, ga bị sập sảnh chính. Sau đó, sảnh này được xây dựng lại với kiểu kiến trúc hoàn toàn khác biệt.
Ga Hà Nội trước năm 1927
2. Trong “Hồi ký Xứ Đông Dương” của mình, cha đẻ của ga Hàng Cỏ, Paul Doumer trăn trở: “Trong tình trạng trước đây, chẳng có động lực nào để những người dân phải lao động nhiều hơn mức cần thiết cho nhu cầu của riêng họ. Tại sao họ phải phát triển canh tác trong khi sản phẩm dư thừa sẽ không có nơi tiêu thụ?
Với đường sắt, họ không còn lý do nào để hạn chế việc sản xuất trên mảnh đất màu mỡ của mình hay chỉ tiêu thụ tại chỗ. Đường sắt… trở thành động lực tạo ra sự thịnh vượng thông qua những lợi thế mà nó đem lại bằng việc vận chuyển những tác nhân tạo nên sự thịnh vượng ấy.”
Với sự ra đời của ga Hàng Cỏ cùng hệ thống hơn 1.700 km đường sắt dọc trục Bắc-Nam, một khái niệm mới mẻ chính thức ra đời: Buôn hàng qua những phố ga.
Bố tôi, ở cái tuổi bắt đầu chiêm nghiệm nhiều hơn, thường hay kể về thời thanh xuân… đi buôn nhờ những chuyến tàu lại qua ga Hàng Cỏ của mình. Đó là khi ông mới mười chín, hai mươi. Chàng thanh niên trẻ măng thi thoảng vay mượn, giắt túi đi mua vài súc lụa phân phối, vài lạng đất đèn rồi bám tàu về Hà Nội.
Vào cái thời đi buôn bị cấm đoán, những “tay buôn” như bố tôi không thể vào Hàng Cỏ theo đường… chính ngạch. Thường thường, khi tàu bắt đầu giảm tốc vào tới Hà Nội, đội quân ấy đã ào ạt nhảy tàu từ mạn Văn Điển hay Giáp Bát. Sau khi bán hết hàng, họ mới thảnh thơi cuốc bộ về Hàng Cỏ, ngồi trước sân ga đông kìn kịt, chiêu hớp trà nóng đong trong chén hoa hồng, kiểm đếm tiền thu được rồi mua vé về quê.
Trong ký ức đã cũ kỹ của bố, ga Hàng Cỏ thời ấy thực sự thịnh vượng theo đúng nghĩa đen của nó. Người xe ồn ào. Người từ tứ phía của đất Tràng An nườm nượp vào ra. Sân ga sáng choang như một giấc mơ xa vời với chàng thanh niên quê lúa.
Mãi về sau, khi đời sống đã bớt khổ, bố tôi mới có thể thực hiện trọn vẹn một chuyến đi bằng tàu từ ga Nam Định lên Hàng Cỏ. Và, đến tận bây giờ, sau hàng chục năm, ông vẫn giữ thói quen cũ kỹ và có phần lạc hậu ấy như một cách tri ân một thời ga và tàu nuôi sống giấc mơ tuổi trẻ của mình.
Tôi tin chắc, thế hệ những cô, những bác sinh vào những năm 60,70 của thế kỷ trước cũng có chung niềm hoài niệm ấy. Với nhiều người, ga Hàng Cỏ là của chung, nơi cô công nhân, anh bộ đội… vội vã chen nhau vào mua tấm vé rồi thảnh thơi uống chén trà, ăn cây kẹo lạc chờ tàu tới đón. Đó là không gian chật ních hơi người và len đầy những âm thanh, mùi vị sống động của cả thời bao cấp khó khăn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) sau trận máy bay Mỹ đánh phá Ga Hà Nội tháng 12/1972.
Ở khía cạnh lịch sử, kể từ khi ra đời cho tới nay, ga Hàng Cỏ cũng là chứng nhân cho những biến thiên và thăng trầm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đó là nơi đến và đi của những con tàu chở theo la liệt xác người trong nạn đói lịch sử 1945, là những tháng ngày sân ga, phố ga, xóm đường tàu tan hoang vì bom đạn.
Là một nhân chứng sống của 12 ngày đêm Mỹ đưa không quân tấn công Hà Nội cuối năm 1972, cho tới tận bây giờ, ông Nguyễn Văn Cầu (Khâm Thiên) đêm nào cũng mơ thấy phố đường tàu rừng rực cháy.
Giáp lễ Noel năm ấy, nghe tin người Mỹ ngừng ném bom, bà con lục tục kéo về nhà. Phố đường tàu và Hàng Cỏ trở nên ồn ào, vui vẻ hơn. Phần vì chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết, phần khác vì nhớ nhà nên hầu hết mọi người đều nấn ná ở lại.
Nhớ lại thời khắc này, ông Cầu gần như chết lặng. Ngày ấy, vợ con ông từ Bắc Ninh cũng khăn gói đưa cậu con trai cả mới 4 tuổi về thăm chồng ở Khâm Thiên. Chỉ được 1 ngày thì máy bay Mỹ sầm sập kéo vào.
“Khi ấy, tôi đang trực nhà in ở Bờ Hồ, còn mẹ con bà ấy ở nhà. Tôi còn nhớ, khoảng 22 giờ 45 phút, máy bay Mỹ ập tới, quần đảo khắp bầu trời. Bom như trải thảm xuống Hàng Cỏ, Khâm Thiên và nhiều tuyến phố lân cận,” ông Cầu run run nhớ lại.
Đứng từ xa nhìn lại, cả khu ga đã chìm trong lửa đỏ.
Trong trận rải thảm B52 ngày ấy, bom đã khoét thẳng xuống hầm trú ẩn một vũng sâu cả chục mét, cướp đi tính mạng hai người thân yêu nhất của ông Cầu. Hàng trăm người khác cũng nằm lại trong những hố sâu khét lẹt. 6 khối phố bị xoá sạch. Ga Hàng Cỏ cũng dính bom và bị sập hoàn toàn toà nhà chính.
Vết sẹo chiến tranh giờ vẫn còn phảng phất ở những phố ga, xóm đường tàu quanh sân ga lịch sử. Người Khâm Thiên gốc, không ai bảo ai vẫn lấy ngày 21/11 Âm lịch làm ngày giỗ chung. Và cách đó không xa, Hàng Cỏ, vẫn âm thầm kể lại cho hậu thế những câu chuyện đau thương của quá khứ.
Tự vệ Đường sắt mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do", quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải năm 1965.
Bên cạnh nỗi đau thương ấy, cái sân ga với hơn 100 năm tuổi đời còn lưu giữ thêm vạn vạn tiếng hò reo của hàng ngàn thanh niên Nam tiến theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Những cuộc chia ly trên sân ga hoá thành lời hò hẹn non sông thống nhất mà mãi mấy chục năm sau mới hoá thành hiện thực.
Nữ nhà thơ Lê Khánh Mai từng rưng rưng với ký ức “xanh thắm” trên chính sân ga ấy trong những tháng ngày lịch sử:
“Thời chúng tôi sống
ga Hàng Cỏ, không còn ai bán cỏ
tràn ngập sân ga quân phục mày xanh
xanh thắm những chuyến tàu chở đoàn quân ra trận
xanh thắm sức vóc tuổi thanh xuân lồng lộng
vươn những cánh tay vẫy chào như sóng cỏ giữa trời xanh
…
Chúng tôi đã đi qua một thời gian khổ
Đã có một ngày sân ga Hàng Cỏ
Tràn ngập màu xanh, những người lính trở về
(Ga Hàng Cỏ thời chúng tôi sống)
Trong suốt khoảng thời gian “tràn ngập màu xanh” đó, ga và những chuyến tàu trở thành sợi dây kết nối các vùng miền máu mủ của cả nước cho tận tới ngày non sông quy về một dải.
Năm 1975, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Đến lúc này, Hàng Cỏ với vóc dáng xưa mới được xây mới lại. Tới năm 1976, ga đổi tên thành ga Hà Nội, chuẩn bị rậm rịch cho tuyến xe lửa Thống nhất hai miền Bắc-Nam ngay sau đó.
Suốt dọc hành trình tồn tại của mình cho tới tận ngày ấy, Hàng Cỏ đã trọn vẹn sống, hy sinh và thở cùng một nhịp với cả Tổ quốc.
3.Hàng Cỏ cũ, hay ga Hà Nội những ngày này cũng đã rậm rịch chuyển mình cùng thời cuộc. Hệ thống nhà chờ hiện đại, thang máy cùng những dãy quầy tự động đã được áp dụng. Sân ga cũng khang trang và sạch sẽ hơn. Quy củ và nền nếp là điều dễ nhận thấy khi tới khoảng sân ga ngay sát bên đường Lê Duẩn.
Theo thời gian, ga cũng vắng dần người đi. Vẫn cảnh vài quán nước chong đèn suốt đêm cho khách chờ tàu khuya. Vẫn lúp xúp ly trà nóng, thuốc lào và kẹo lạc. Vẫn những cuộc chia ly dẫu không còn “xanh thắm” nữa. Ga Hàng Cỏ giờ đây cũng là hình ảnh thu nhỏ của cả ngành đường sắt đang vật vã trở mình trong cuộc cạnh tranh không tương xứng với hàng không giá rẻ.
Nhưng, nhìn ở một góc độ khác, ở một quốc gia trải dài từ Nam chí Bắc với gần 2000km , đường sắt vẫn sẽ luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ với tư cách một loại hình vận tải có bề dày hơn trăm năm lịch sử mà còn là huyết mạch của cả nền kinh tế. Có ngồi lên những con tàu bắt đầu từ Hàng Cỏ, xuôi qua những ga, những phố, vượt đèo và lội qua rừng sâu thì mới thấy trọn vẻ đẹp kỹ vì của thiên nhiên và con người Việt Nam. Ở khía cạnh ấy, chúng tôi tin, Hàng Cỏ xưa và ga Hà Nội nay vẫn sẽ giữ vị trí bắt đầu cho hành trình khám phá đất nước, khám phá bản thân và tự chiêm nghiệm một cách sống chậm của riêng mỗi người.
Và, cái ga kỳ vĩ và tầm vóc vào bậc nhất xứ Đông Dương này vẫn sẽ có những vị khách già trung thành như lớp người sinh ra vào thập kỷ 60 như bố tôi và bạn bè ông. Họ, cùng với hàng vạn người khác, sẽ nối tiếp hành trình tàu hoả, cái hành trình thăng trầm hơn trăm năm qua ở xứ xở này.
Hàng Cỏ vẫn sẽ vặn mình đổi thay theo dòng chảy bất tận của năm tháng.